Alternate Text
Tin tức nội khoa
Tin tức nội khoa

MẤT NGỦ PHẢI LÀM SAO

mat-ngu-phai-lam-sao

MẤT NGỦ PHẢI LÀM SAO

Mất ngủ đêm, mất ngủ kéo dài là rối loạn phổ biến, với biểu hiện khó đi vào giấc ngủ, thức giấc nhiều lần hay chất lượng giấc ngủ kém. Ngay cả khi thời gian thoải mái và môi trường thuận lợi cho giấc ngủ ngon, tình trạng mất ngủ vẫn có thể xảy ra. Hậu quả là buồn ngủ vào ban ngày, cản trở sinh hoạt hàng ngày.
Mất ngủ nhất thời có thể do căng thẳng hay những thay đổi về giờ giấc hay môi trường sinh hoạt, diễn ra chỉ trong vài ngày đến vài tuần. Tình trạng mất ngủ từ 3 đêm/tuần trở lên, kéo dài hơn 3 tháng được xem là mất ngủ trường diễn hay mạn tính.
Mất ngủ mạn tính có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung và trí nhớ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, và ung thư. Việc điều trị cần phối hợp giữa thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc.

1CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY MẤT NGỦ TRIỀN MIÊN

 Một số yếu tố khiến bạn mất ngủ trầm trọng hơn người khác:

  • Tuổi tác: mất ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tỉ lệ mắc cao hơn ở người lớn tuổi
  • Tiền sử gia đình và di truyền
  • Môi trường sống hoặc nghề nghiệp: các tác nhân sau có thể gây xáo trộn chu kỳ thức ngủ

         -    Trực đêm hay làm việc khuya
         -    Môi trường sống quá sáng hay quá ồn về đêm
         -    Nhiệt độ môi trường không phù hợp: quá nóng hay quá lạnh
         -    Thường xuyên đi lại giữa những vùng khác múi giờ

  • Lối sống: có những thói quen gây khó ngủ

        -   Thời gian ngủ thất thường hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt thường xuyên
        -    Có tác nhân gây gián đoạn giấc ngủ như thường thức giấc chăm sóc em bé
        -    Thường xuyên có giấc ngủ ngày
        -    Dùng café, nicotine, rượu và các chất cấm
        -    Xem TV hay dùng các thiết bị điện tử gần giờ ngủ

  • Tình trạng căng thẳng

       -    Căng thẳng hay lo lắng về học hành hay việc làm, quan hệ, tiền bạc, mất mát người thân,…
       -    Lo lắng ngủ không đủ hay đồng hồ không báo thức

  • Giới tính: nữ giới dễ bị mất ngủ hơn nam giới. Cảm giác khó chịu do thay đổi hormone lúc thai kỳ hay mãn kinh cũng khiến đi vào giấc ngủ ban đêm rất khó.

 

2TRIỆU CHỨNG THỰC THỂ, TRIỆU CHỨNG CƠ NĂNG VÀ BIẾN CHỨNG

Triệu chứng cơ năng chủ yếu của mất ngủ thường xuyên, khó đi vào giấc ngủ hay khó duy trì giấc ngủ mặc dù có đủ thời gian và điều kiện tạo ra giấc ngủ ngon. Nếu không điều trị, mất ngủ lâu dần dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, công việc, hoặc tai nạn giao thông.


a. Triệu chứng mất ngủ bao gồm:

  • Nằm tỉnh thức lâu trước khi đi vào giấc ngủ, thường ở người trẻ
  • Thức giấc nhiều lần trong đêm, thức tỉnh phần lớn thời gian trong đêm, thường gặp ở người lớn tuổi
  • Thức sớm vào buổi sáng và khó ngủ lại
  • Chất lượng giấc ngủ kém: bạn có thể cảm giác như chưa được ngủ, buồn ngủ ban ngày, khó tập trung. Đôi khi bạn cảm thấy lo lắng, trầm uất, hay cáu gắt

 

b. Biến chứng bao gồm:

  • Mất ngủ ngắn hạn có thể dẫn đến khó tập trung hay thiếu minh mẫn. Bạn có thể cảm thấy cáu gắt, buồn, thiếu nghỉ ngơi, hay đau đầu. Mất ngủ tăng nguy cơ té ngã, tai nạn giao thông, hay mất việc.
  • Mất ngủ mạn tính có thể làm cho các vấn đề sức khỏe trở nên tồi tệ hơn:

      -    Hô hấp: suyễn
      -    Tim mạch: rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành, và tăng huyết áp
      -    Tâm thần: lo âu, trầm cảm, và ý định tự sát,…
      -    Đau: mức độ đau sẽ tăng lên khi mất ngủ
      -    Biến chứng trong thai kỳ: đau gia tăng lúc chuyển dạ, dễ sinh non, tăng nhu cầu sinh mổ và sinh trẻ nhẹ cân
      -    Hệ miễn dịch: cơ thể dễ bị viêm và đề kháng kém với nhiễm trùng
      -    Vấn đề chuyển hóa: thay đổi mức hormone kiểm soát cảm giác đói và tiêu hóa thức ăn, dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân/béo phì, hội chứng chuyển hóa và đái tháo đường.

3CHẨN ĐOÁN

a. Bệnh sử và khám thực thể:

  • Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng cơ năng và thực thể, các yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh bản thân, và tiền sử gia đình. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi:
  • Bạn bị rối loạn giấc ngủ bao nhiêu lần/tuần và trong bao lâu?
  • Mấy giờ bạn đi ngủ và thức dậy trong ngày làm việc và ngày nghỉ?
  • Mất bao lâu bạn mới vào giấc, thức giấc mấy lần trong đêm, và mất bao lâu mới ngủ lại được?
  • Bạn có cảm thấy khỏe khoắn khi thức dậy và có cảm giác mệt mỏi vào ban ngày?
  • Bạn có dùng các thiết bị điện tử với ánh sáng nhân tạo hoặc xem TV trước khi ngủ không?
  • Bạn có ngáy lớn hay thức giấc và cảm giác ngộp hay nghe thấy tiếng thở hay không?
  • Để tìm nguyên nhân gây ra vấn đề giấc ngủ ban đêm, bác sĩ có thể hỏi:
  • Bạn có vấn đề sức khỏe mới phát sinh hay đang tiến triển hay không?
  • Bạn có dùng thuốc gì không?
  • Bạn có đang mang thai hay mãn kinh không?
  • Bạn có dùng café, nicotine, rượu bia, hay chất cấm hay không?
  • Bác sĩ sẽ khám để loại trừ những vấn đề y tế khác ảnh hưởng đến giấc ngủ: nghe tim phổi và xem xét các yếu tố nguy cơ ngưng thở khi ngủ, như a-mi-đan to hay chu vi cổ lớn.


b. Các test chẩn đoán:
Bác sĩ có thể chỉ định một số test sau:

  • Đo đa ký giấc ngủ (sleep study/polysomnography): phát hiện những rối loạn nhịp ngày đêm, ngưng thở khi ngủ, và chứng ngủ rũ
  • Hoạt động ký (actinography): đo mức độ ngủ ngon thông qua thiết bị cảm ứng vận động nhỏ mang trong 3-14 ngày
  • Xét nghiệm máu về tuyến giáp hay các bệnh lý khác có thể ảnh hưởng giấc ngủ

 

4ĐIỀU TRỊ

Với mất ngủ nhất thời, thay đổi lối sống có thể cho kết quả tốt. Điều trị bước đầu tình trạng mất ngủ mạn tính thường là tư vấn thay đổi suy nghĩ hành vi (CBT-Cognitive Behavioural Therapy). 
Một số loại thuốc giúp kiểm soát mất ngủ, tạo giờ giấc ngủ đều đặn. Bạn cần gặp bác sĩ để điều trị giấc ngủ.
a. Những thói quen ngủ lành mạnh

  • Tạo môi trường ngủ thân thiện: mát, yên lặng, sáng dịu hoặc tối
  • Ngủ và thức đúng giờ đã định, dù là ngày làm việc hay ngày nghỉ
  • Tránh dùng café, nicotine, và rượu bia gần giờ ngủ
  • Thường xuyên hoạt động thân thể vào ban ngày (ít nhất 5-6 giờ trước ngủ)
  • Tránh ngủ ngày
  • Ăn đúng giờ, tránh ăn quá khuya, tránh uống nhiều nước gần giờ ngủ
  • Thực hành những cách giải stress mới để thư giãn trước khi ngủ: xoa bóp, thiền, hoặc yoga,…
  • Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng một số thuốc không kê toa có khả năng gây mất ngủ
  • Điều trị thay đổi suy nghĩ hành vi

b. Các liệu pháp có thể do bác sĩ, y tá, hay kỹ thuật viên trị liệu thực hiện qua điện thoại hay trực tuyến. Kế hoạch điều trị chi tiết có thể kéo dài 6 – 8 tuần

  • Liệu pháp thay đổi suy nghĩ để bớt cảm giác căng thẳng về giấc ngủ và có suy nghĩ tích cực hơn
  • Liệu pháp thư giãn và thiền
  • Giáo dục về giấc ngủ
  • Liệu pháp giới hạn thời gian ngủ
  • Liệu pháp kiểm soát kích thích

c. Thuốc

  • Các thuốc kê toa: có nhiều loại thuốc điều trị, một số dùng ngắn hạn, số khác dùng dài hạn. Các tác dụng phụ bao gồm choáng váng, buồn ngủ, hoặc làm nặng thêm chứng trầm cảm,…

       -    Nhóm Benzodiazepines và đồng vận benzodiazepines (zolpidem, zaleplon, and eszopiclone)
       -    Nhóm đồng vận melatonin (ramelteon),…

  • Các nhóm thuốc không phải thuốc ngủ (nhóm chống trầm cảm, nhóm chống loạn thần, nhóm chống động kinh,…)
  • Nhóm thuốc không kê toa và thực phẩm chức năng (anti-histamines, melatonin,…)

 

5MỘT SỐ BỆNH LÝ GẮN VỚI MẤT NGỦ
  • Những bệnh lý não: bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, động kinh, bệnh Parkinson, tổn thương não sau chấn thương
  • Đau mạn tính
  • Bệnh tim, phổi như suyễn, suy tim
  • Những tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Các rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ, và rối loạn nhịp ngày đêm
  • Những tình trạng sức khỏe khác như đái tháo đường, các vấn đề về tiêu hóa, hormone giáp,…

 



Khám bệnh tại Phòng khám SIM Med

 
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh

Danh sách tin tức