Alternate Text
Tin tức nhi khoa
Tin tức nhi khoa

SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

sot-xuat-huyet-va-cach-phong-ngua

SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

1SỐT XUẤT HUYẾT VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Thị Kim Nguyên - Bác sĩ chuyên Tim mạch/Nội tổng quát - Phòng khám đa khoa SIM Med
 
Theo số liệu của Bộ Y Tế, năm 2022 cả nước có 247.202 ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 100 ca tử vong, và riêng trong 2 tháng đầu năm 2023 số ca mắc sốt xuất huyết tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo HCDC – Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP. Hồ Chí Minh, số liệu đầu tháng 3 cho thấy số ca mắc là 4.683, tăng gần 2 lần so với 2.621 ca mắc trong cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy sự khẩn cấp trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này khi mà chúng ta đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch là từ tháng 5 đến tháng 10.
 
 

a. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết được gây ra bởi một trong bốn loại virus Dengue (DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4). Virus này được truyền từ người sang người thông qua muỗi vằn, chủ yếu là loài Aedes aegypti, đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành gây ra bệnh cho cả người lớn và trẻ em.
Muỗi vằn thường hoạt động vào ban ngày, và thích sống ở các khu vực đông dân cư, nơi có nhiều nước đọng và rác thải.
 

b. Làm thế nào để phòng ngừa sốt xuất huyết?

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vaccine ngừa bệnh. Hiện trên thế giới đã có 2 loại vaccine phòng sốt xuất huyết là vaccine Dengvaxia (CYD-TDV) của công ty Dược Sanofi Pasteur (Pháp) cho người từ 9 đến 45 tuổi và vaccine QDENGA của công ty Dược phẩm Takeda (Nhật Bản) cho người từ 4 tuổi trở lên.
 
c. Tuy nhiên hiện tại cả 2 loại vaccine này chưa được đưa vào sử dụng tại Việt Nam
Chính vì thế, phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất hiện nay vẫn là mỗi người dân tự ý thức bảo vệ gia đình:
▫ Giữ vệ sinh môi trường sống và loại bỏ các nơi tích nước như bình hoa, lu chứa nước... để ngăn chặn sự sinh sôi của muỗi Aedes.
▫ Dùng mùng khi ngủ, lưới cửa, trẻ nên cho mặc quần dài, áo dài tay để tránh bị muỗi đốt.
▫ Sử dụng các loại thuốc diệt muỗi hoặc thuốc xua muỗi an toàn.
▫ Theo dõi sức khỏe và nhanh chóng đi khám nếu có các dấu hiệu: sốt cao kéo dài, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau bụng, chấm xuất huyết dưới da hoặc ở niêm mạc.
 

2CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết Dengue là căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho mọi lứa tuổi, kể cả người trưởng thành. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em thường nặng hơn so với người lớn vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Chính vì thế, mọi người cần nắm rõ các triệu chứng tương ứng với từng giai đoạn để ứng phó kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm khi có người bị sốt xuất huyết trong gia đình.
 
a. Các triệu chứng theo từng giai đoạn của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến qua các giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài trung bình từ 4 - 7 ngày từ khi bị muỗi đốt đến lúc có cơn sốt đầu tiên, và không có triệu chứng để phát hiện. Thời điểm xuất hiện sốt và nổi ban là vô cùng quan trọng, để bắt đầu tính ngày bệnh.
- Giai đoạn sốt: Thường kéo dài từ 2-7 ngày, bắt đầu với triệu chứng sốt cao đột ngột, có thể lên tới 39-40 độ C. Người bệnh cũng có thể có các dấu hiệu khác như đau đầu, đau khớp, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, viêm họng, sổ mũi, tiêu chảy hoặc phát ban. Đây là giai đoạn virus nhân lên trong máu và gây viêm mạch máu. Người bệnh cần được khám và xét nghiệm máu để chẩn đoán và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe.
- Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, khi sốt giảm hoặc vẫn còn sốt nhẹ. Đây là giai đoạn có thể xuất hiện các biến chứng do xuất huyết nặng.
- Giai đoạn hồi phục: Thường sau khi qua giai đoạn nguy hiểm từ 1 đến 2 ngày người bệnh sẽ dần hồi phục, hết sốt, huyết áp ổn định, triệu chứng còn lại là nổi ban hồi phục, tổng thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần được tiếp tục theo dõi và nếu thấy có triệu chứng bất thường thì phải đi khám ngay cho đến khi bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh hoàn toàn.
b. Các dấu hiệu nguy cấp cần lưu ý khi bị sốt xuất huyết
Cần lưu ý các triệu chứng sốt xuất huyết nặng như:
▫ Chảy máu cam, chân răng, tiêu hóa
▫ Đau bụng; nôn ói liên tục
▫ Hạ huyết áp, sốc do mất máu quá nhiều
▫ Hành kinh bất thường
▫ Hôn mê
 
Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh đã trở nên nghiêm trọng, có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm: xuất huyết não – gây nguy cơ teo não, xuất huyết nội tạng - gây suy tim, suy thận.
Giai đoạn này cần được điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ để tránh biến chứng, hay thậm chí gây tử vong – cần nhập viện ngay lập tức khi có các dấu hiệu kể trên.
 

3CÁCH XỬ LÝ TẠI NHÀ KHI BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết Dengue dạng nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Gia đình và người bệnh có thể tìm hiểu những phương pháp sau đây để chăm sóc ban đầu hiệu quả, nhanh chóng giảm nhẹ các triệu chứng của người thân bị nhiễm bệnh trước khi tìm đến các cơ sở y tế.

 
a. Điều trị sốt xuất huyết dạng nhẹ tại nhà cần lưu ý những gì?
✔Lau mát, nếu là trẻ em thì đặt trẻ ở nơi thoáng khí, không mặc đồ dày, hạn chế đắp chăn mền, dùng khăn mềm và ẩm lau trán, dưới nách, vùng bẹn, tay, chân để hạ sốt
✔Theo dõi sát nhiệt độ người bệnh và tham vấn bác sĩ khi sốt cao trên 38.5 độ C
✔Không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc có chứa aspirin hoặc ibuprofen vì có thể gây xuất huyết nặng
✔Uống nhiều nước đặc biệt các loại nước có chứa điện giải như nước dừa, nước cam hoặc nước chanh để bù dịch và giảm nhiệt độ cơ thể
 
b. Những trường hợp khẩn cấp cần lưu ý
Sốt xuất huyết Dengue có nguy cơ chuyển biến nặng ở nhóm trẻ có hệ miễn dịch kém, bao gồm trẻ em dưới 1 tuổi (nhũ nhi), trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ bị béo phì.
Khi chăm sóc người bệnh bị sốt xuất huyết tại nhà, cần lưu ý những triệu chứng dưới đây để đưa người bệnh nhập viện ngay:
- Sốt cao (trên 39 độ C) kéo dài trên 3 ngày
- Đau đầu, đau mắt, đau khớp và cơ
- Nôn ói nhiều
- Xuất huyết (chảy máu từ mũi, chân răng, nước tiểu hoặc đi ngoài ra máu)
- Suy hô hấp (thở nhanh, thở khó khăn)
- Suy tuần hoàn (tay chân lạnh, tím môi)
- Lừ đừ, bỏ ăn, bỏ bú, mắt trũng, môi khô, lưỡi dơ
- Co giật hoặc mất ý thức
 
Tại Phòng khám nhi khoa SIM Med, chúng tôi có các bác sĩ Nhi & bác sĩ Nội khoa với nhiều kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết. Để nhận thông tin về dịch vụ Khám & Tư vấn khi trẻ hoặc người lớn bị sốt, hãy liên hệ phòng khám đa khoa SIM Med, thông qua:
 
Cảnh báo Sốt xuất huyết
 
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh

Danh sách tin tức