Alternate Text
Tin tức nhi khoa
Tin tức nhi khoa

SỨC KHỎE TINH THẦN – YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI CỦA TRẺ

suc-khoe-tinh-than-yeu-to-dinh-hinh-tuong-lai-cua-tre

SỨC KHỎE TINH THẦN – YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI CỦA TRẺ

1SỨC KHOẺ TINH THẦN - YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI CỦA TRẺ

Sức khỏe tinh thần ở trẻ em là những cảm nhận của trẻ đối với bản thân và thế giới xung quanh, bắt đầu từ những người thân đến thầy cô giáo, bạn bè, những người quen biết trong môi trường sống và sinh hoạt của trẻ. Vì sức khỏe tinh thần là khái niệm vô hình không nhận biết hay nhìn thấy được như sức khỏe thể chất nên nhiều người lớn đã không chú ý đúng mực đến điều này. Theo số liệu công bố ngày 10/10/2022 từ Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bệnh viện Tâm thần Trung ương, có khoảng 12% trẻ em ở nước ta (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) gặp phải vấn đề này và cần được chăm sóc về tinh thần.
 

2SỨC KHOẺ TINH THẦN CỦA TRẺ QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO?

a.Ảnh hưởng đến hành vi và thái độ sống khi trưởng thành

  • Bộ nhớ vô thức ở trẻ nhỏ hoạt động rất mạnh, mọi trải nghiệm của trẻ dù vui hay buồn đều được ghi lại trong đó, từ đó ảnh hưởng đến tính cách, hành vi và cả nỗi sợ khi trưởng thành. Có rất nhiều sự việc từ tuổi thơ dù đã bị xóa trong bộ nhớ nhận thức nhưng bộ nhớ vô thức vẫn lưu giữ chúng và ảnh hưởng đến cả khi trưởng thành.
  • Theo các nhà tâm lý học, các hội chứng sợ như sợ tiếng sấm chớp, không gian hẹp, không gian tối,… đều có thể bắt nguồn từ chấn thương tâm lý lúc còn nhỏ, ví dụ như tuổi thơ bị áp đặt/bị bạo hành hoặc trẻ đã từng phải ở một mình trong ngày mưa sấm chớp hay bị nhốt trong không gian hẹp, không gian tối…
  • Do đó việc đảm bảo trẻ có một tuổi thơ trọn vẹn là hết sức quan trọng. Những trẻ có sức khỏe tinh thần không tốt ở tuổi thơ thường yếu tâm lý khi phải đối diện với thử thách trong cuộc sống, có xu hướng suy nghĩ tiêu cực và gặp khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc, hay nhầm lẫn giữa thương hại bản thân với thương yêu bản thân. Điều này làm các em khó hòa nhập với mọi người, tách biệt mình ra khỏi cộng đồng, xã hội.
 

b. Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất

  • Nếu tinh thần căng thẳng thì cơ thể sẽ khó hấp thu dinh dưỡng. Bởi vì thần kinh giao cảm không kích hoạt cảm giác thư giãn nên các cơ đường tiêu hóa không được thả lỏng, từ đó khó tiết dịch tiêu hóa. Tiêu hóa kém làm trẻ thiếu năng lượng cho các hoạt động trong ngày.
  • Trẻ có sức khỏe tinh thần không tốt cũng thường thiếu hứng thú với hoạt động thể chất, xuất hiện sức ì sớm, không chạy nhảy nô đùa như những đứa trẻ cùng lứa, từ đó thể chất cũng không được kích thích để phát triển.
  • Sức khỏe thể chất suy giảm lại tác động xấu đến sức khỏe tinh thần, làm tình trạng suy sụp càng nghiêm trọng hơn, thậm chí trẻ ở tuổi dậy thì có thể xuất hiện hành vi gây hại nghiêm trọng cho thể chất như tìm đến chất gây nghiện hay những việc khó cứu vãn như hủy hoại bản thân, …
 
Sức khoẻ tinh thần cho trẻ

c. Ảnh hưởng đến việc học tập

  • Khi tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài thì kết quả học tập sẽ bị giảm sút vì trẻ sẽ mất tập trung do không còn hứng thú với việc học. Người lớn càng tạo áp lực thì vấn đề sẽ càng tệ hơn và có thể dẫn đến sự việc nghiêm trọng như bỏ học, bỏ nhà đi bụi…
  • Trẻ em được nuôi lớn không chỉ bằng dinh dưỡng mà còn bởi tình yêu thương của gia đình và mọi người xung quanh. Việc chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ giúp các em phát triển toàn diện, trở nên tự tin, bản lĩnh và dễ đạt những thành công trong cuộc sống. Vì vậy xin đừng để những tổn thương tinh thần lúc thơ bé đánh mất đi ước mơ, tương lai tươi sáng của con trẻ.
  • Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm sinh lý của trẻ, các bậc cha mẹ hãy ngay lập tức tìm lời khuyên từ các chuyên gia, để khôi phục cuộc sống bình thường cho các em.

3CÁC BIỂU HIỆN TINH THẦN ĐÁNG QUAN TÂM Ở TRẺ

 
Câu tục ngữ “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ” đã nói lên đặc tính tâm lý của trẻ nhỏ là chân thật, luôn phản ánh cảm xúc và suy nghĩ một cách hồn nhiên về sự vật xung quanh mình, không sợ đúng sai, nghĩ sao thì thể hiện ra vậy. Từ đó thông qua quan sát hành vi, thái độ phản ứng của trẻ trước con người hay sự việc, các bậc phụ huynh có thể nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ.
 

a.Làm sao để nhận biết tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ?

 
Những dấu hiệu người lớn không nên bỏ qua:
  • Ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo: Trẻ phản ứng mạnh bất thường khi đi học, níu khóc cha mẹ khi được đưa đến trường, hay mớ khóc trong giấc ngủ…
  • Ở tuổi tiểu học: Trẻ có thái độ thụ động so với lứa tuổi, không thích chạy nhảy, không hay cười đùa, biểu hiện mệt mỏi, thờ ơ, có ánh mắt sợ sệt khi nhìn một người nào đó và không dám trả lời khi được hỏi, ngại kết bạn và không có chuyện để kể về bạn khi đi học về…
  • Ở tuổi trung học: Trẻ có biểu hiện khó kiểm soát cảm xúc, thường phản ứng căng thẳng bất thường trước một sự việc và đôi khi đến mức hung bạo, tránh giao tiếp thậm chí tự cô lập bản thân ngay cả với người trong gia đình…
 

b. Người lớn nên làm gì khi thấy trẻ có biểu hiện về vấn đề sức khỏe tinh thần?

Vấn đề về sức khỏe tinh thần diễn biến rất âm thầm và kéo dài, nó cứ như từng giọt nước được nhỏ vào cái ly chịu đựng của trẻ. Nếu người lớn không chú ý quan sát để phát hiện kịp thời sự thay đổi hành vi từng chút một của trẻ nhằm giúp trẻ sớm thoát khỏi áp lực thì sẽ đến ngày giọt nước làm tràn ly. Lúc đó sẽ rất khó điều chỉnh trạng thái tinh thần cho trẻ, thậm chí không thể chữa lành, vì tổn thương kéo dài theo thời gian đã khắc quá sâu vào vô thức của trẻ.
 
Khó khăn của người lớn chính là dễ nhầm lẫn các biểu hiện của sức khỏe tinh thần với sự thay đổi hành vi do sự thay đổi tâm sinh lý theo lứa tuổi, 5 bước sau đây sẽ giúp người lớn chúng ta nhận diện sức khỏe tinh thần của trẻ:
  • Lưu ý những dấu hiệu tâm lý tiêu cực của trẻ, ví dụ ít nói ít cười hơn, né tránh giao tiếp, dễ cáu gắt, dễ phản ứng với mọi thứ, vùi đầu vào thế giới ảo,…
  • Kiểm soát cảm xúc, không phản ứng căng thẳng với trẻ
  • Kiên nhẫn tiếp cận, đồng hành và lắng nghe trẻ để hiểu nguyên nhân
  • Lắng nghe chuyên gia tâm lý tư vấn là điều các bậc làm cha mẹ cần làm để tìm ra lí do thực sự gây nên những phản ứng bất thường của trẻĐưa trẻ đến khám các bác sĩ nhi khoa để trẻ được tư vấn cách chăm sóc bản thân và phát hiện các vấn đề sức khỏe tinh thần và thể chất
 
5 bước kiểm tra khi thấy trẻ có vấn đề sức khoẻ
 
Khi có vấn đề về sức khỏe tinh thần ở trẻ, trẻ em thường khép mình, thậm chí có những em còn chưa thể nhận thức mình đang bị tổn thương về tâm lý. Chính vì thế vai trò của những người trưởng thành là vô cùng quan trọng để phát hiện và giúp chữa lành, trị liệu tâm lý cho trẻ. Xin đừng để những tâm hồn thơ bé phải đơn độc chống chịu trước những giông bão cuộc đời mà hãy là người đồng hành, người hỗ trợ các em vượt qua giai đoạn khó khăn đó!
 
Có thể cả bạn và con giờ đây vẫn cảm thấy hơi mơ hồ về những bước cần thực hiện như thế nào. Hãy bắt đầu bằng các bước tham khảo như sau:
 
👉Hiểu và đối diện với tổn thương tinh thần của trẻ:
Điều đầu tiên, các bậc phụ huynh cần chấp nhận hiện thực là con em mình đang có những vấn đề tâm lý, có thể là stress, lo âu, trầm cảm... Đây là điều mà dù ở độ tuổi nào, thiếu niên hay đã trưởng thành cũng không ai mong muốn phải gặp phải. Và đặc biệt là ở trẻ nhỏ, các vấn đề đó không xuất phát từ các em, mà là do các yếu tố bên ngoài tác động.
 
👉Thấu hiểu điều này sẽ giúp các phụ huynh bao dung và không áp đặt thêm những tiêu chuẩn lên các em như: “con phải thay đổi, không là bố mẹ sẽ phạt con” hay “con người ta giỏi giang thế, còn con sao tệ vậy, chỉ việc cỏn con cũng làm không xong?”. Điều này chỉ càng làm tình trạng của các em thêm trầm trọng, thu mình lại.
 

c. Tìm hiểu nguyên nhân

Các yếu tố ảnh hưởng đến từ môi trường bên ngoài rất nhiều, có thể đến từ nhà trường, bạn bè, gia đình hoặc có thể một phần từ chính con trẻ. Nên sau khi đã xác định tình trạng của trẻ, tiếp theo cần tìm hiểu nguyên nhân gây tổn thương cho các bé:
  • Gia đình: Có thể do bố mẹ bất hòa, do sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, hoặc do thiếu sự quan tâm và yêu thương của người lớn…
  • Trường học: Có thể bắt nguồn từ bị bắt nạt, bạo lực học đường hoặc do áp lực học tập, bị điểm kém…
  • Bản thân: Do nghiện game, hoặc tự ti về ngoại hình, điều kiện gia đình không được bằng các bạn đồng trang lứa…
  • Những sự thay đổi lớn trong cuộc sống của trẻ: như chuyển trường, chuyển nhà, hoặc mất đi một người thân yêu quý…
Phát hiện chính xác các loại tổn thương tinh thần này có thể giúp can thiệp sớm vào việc điều trị và tránh sự việc thêm trầm trọng.
 

d. Lắng nghe trẻ chia sẻ

Nói chuyện với trẻ để hiểu thêm về tình trạng và giúp trẻ cảm thấy được yên tâm và được quan tâm. Sau đây là các cách để có một cuộc trò chuyện chân thành, hiệu quả với trẻ:
  • Mở đầu: Đầu tiên, hãy mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách thể hiện cho biết mình yêu trẻ như thế nào, hãy nói “cha/mẹ yêu con”, ôm con vào lòng, khen những điểm tích cực của con, “con là đứa trẻ thật tuyệt vời”… điều này sẽ tạo tâm lý tích cực, giảm căng thẳng và dễ khiến trẻ mở lòng ra chia sẻ. Tuyệt đối không trò chuyện trong lúc nóng giận – nếu trẻ gây ra 1 lỗi lầm nào đó và điều đó làm bạn bực tức, hãy dời cuộc nói chuyện vào thời điểm khác, khi tâm lý đã ổn định hơn.
  • Bắt đầu trò chuyện: Bí quyết là luôn lắng nghe nhiều hơn nói. Cuộc trò chuyện sẽ gọi là thành công nếu bạn tạo cơ hội cho trẻ nói ra những suy nghĩ của mình trong khoảng 60 - 70% thời lượng cuộc trò chuyện. Việc lắng nghe sẽ giúp trẻ được nói lên những cảm nhận, suy nghĩ và những nguyên nhân sâu xa mà người lớn không cảm nhận được, đồng thời nghe được nguyện vọng, cách xử lý mà trẻ mong muốn.
  • Có thể áp dụng các câu hỏi mở hoặc phương pháp “nói 1 nửa” những điều mà bạn đang nghĩ, và để trẻ bổ sung phần còn lại, từ đây có thể sẽ phát hiện ra những khác biệt trong 2 luồng suy nghĩ.
Ngoài ra cần chú ý đến các ngôn ngữ cơ thể, 1 cử chỉ như thở dài, chau mày, lắc đầu, khoanh tay… cũng có thể làm trẻ hạn chế chia sẻ trong cuộc trò chuyện.
 
  • Kết thúc trò chuyện: Dù trẻ chia sẻ điều gì, đúng hay sai thì quan trọng nhất là thể hiện cho trẻ biết luôn có được yêu thương, quan tâm, chăm sóc. Hãy cho cho trẻ cảm nhận được là bố mẹ, gia đình luôn là nơi an toàn luôn bảo vệ, chở che dù xảy ra bất cứ điều gì.
 

e. Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của trẻ

  • Nếu vấn đề xuất phát từ trẻ: Cần khơi gợi cảm xúc tích cực trong trẻ như cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể thao hoặc môn năng khiếu trẻ ưa thích như vẽ tranh, ca hát, đá banh… giúp rèn luyện tự tin, giúp trẻ vững vàng hơn trước những ảnh hưởng cuộc sống.
  • Nếu vấn đề xuất phát từ gia đình: Cha mẹ cùng nhau tìm hiểu các thói quen xấu đang gây cản trở cho quá trình phát triển của bé, từ đó thống nhất điều chỉnh phong cách sống của gia đình.
  • Nếu vấn đề xuất phát từ môi trường giáo dục: Bắt buộc phải có sự phối hợp từ gia đình và nhà trường để trẻ có 1 môi trường an toàn, lành mạnh từ lúc cắp sách đến trường cho đến khi về nhà.
  • Đặc biệt là cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia sức khỏe tinh thần hoặc các tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em để có thể có những hướng dẫn chính xác, khoa học để có thể đồng hành cùng con trẻ hồi phục sau những khoảng lặng của cuộc sống.
 
Tại Phòng khám đa khoa SIM Medical Center, chúng tôi có các bác sĩ nhi khoa khám và tư vấn cho trẻ ở những lứa tuổi khác nhau. Để nhận thông tin về dịch vụ Khám & Tư vấn sức khỏe trẻ em, hãy liên hệ phòng khám đa khoa SIM Med.
 
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh

Danh sách tin tức