THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT Ở TRẺ EM


THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT Ở TRẺ EM
1Tại sao trẻ bệnh thiếu máu do thiếu sắt?
Ở các nước phát triển, trẻ em thường được ăn uống đầy đủ và khỏe mạnh nên đây không phải là vấn đề thường gặp. Nhìn chung, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đều nhận đủ chất sắt từ người mẹ cho đến khi bắt đầu tập ăn các chất lỏng khác và ăn dặm. Nếu trẻ được bú sữa công thức tăng cường chất sắt thì vẫn sẽ có đủ chất sắt.
Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.
Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, thiểu toan dạ dày, rối loạn hấp thu hoặc có dị dạng ở dạ dày ruột. Một nguyên nhân nữa cũng hay gặp là do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)… Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.
Quan trọng hơn, cần phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt bắt đầu ngay từ khi trẻ ở thời kỳ bào thai (mẹ có chế độ ăn giàu sắt, uống viên sắt). Với trẻ đẻ non, trẻ sinh đôi, trẻ bị thiếu sữa mẹ nên dùng thức ăn có bổ sung sắt hoặc cho điều trị dự phòng sớm bằng chế phẩm sắt.
2Triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ là gì?
Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sẽ ngày càng trầm trọng theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, số lượng chất sắt trong cơ thể giảm xuống làm trẻ bị thiếu sắt. Khi đó, chức năng cơ bắp và não bộ trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo thời gian, khi sắt được sử dụng hết, cơ thể tạo ra rất ít tế bào hồng cầu và gây nên bệnh thiếu máu. Vào thời điểm đó, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Mệt mỏi và yếu ớt
- Da nhợt nhạt, đặc biệt là xung quanh bàn tay, móng tay và mí mắt
- Nhịp tim tăng nhanh hoặc nghe âm thổi từ tim
- Cáu gắt
- Chán ăn
- Chóng mặt hoặc choáng nhẹ.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, một đứa trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể phát triển bệnh pica, loại bệnh khiến trẻ thèm ăn những thứ không phải thức ăn như các mảnh vụn sơn, phấn hoặc bụi bẩn.
3Bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ cần được điều trị như thế nào?
Dùng thuốc bổ tổng hợp có chứa sắt và đưa nhiều thực phẩn chứa sắt vào chế độ ăn uống của trẻ có thể giúp quá trình điều trị tốt hơn, nhưng thường thì chỉ bấy nhiêu không đủ. Hãy hỏi bác sĩ trước khi bạn cho con uống thuốc sắt, vì quá nhiều chất sắt có thể gây ra ngộ độc.
Bé chỉ nên uống sắt khi đói hoặc chỉ mới ăn một ít. Tránh cho trẻ uống thuốc sắt chung với sữa hoặc loại thức uống có chứa caffeine vì cả hai loại này cản trở rất mạnh sự hấp thụ sắt. Các loại thức uống như nước cam và các loại thực phẩm có nhiều vitamin C có thể giúp cho sắt được hấp thu tốt hơn.
Trong vòng một hoặc hai ngày đầu tiên uống thuốc sắt, trẻ sẽ cảm thấy khỏe hơn và bắt đầu thấy thèm ăn. Trong những tháng tới, khi cơ thể đã sản sinh nhiều tế bào hồng cầu hơn, nồng độ hemoglobin sẽ gia tăng trở lại. Thông thường, trẻ cần phải uống thuốc sắt từ 3 đến 6 tháng mới có thể bù đắp sự thiếu hụt, nhưng đôi khi với một số trẻ đặc biệt, cần phải được điều trị trong thời gian dài hơn.
4Bạn nên phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ như thế nào?
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chỉ nên uống sữa mẹ hoặc sữa công thức có tăng cường chất sắt. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên bắt đầu tập ăn các loại thực phẩm tăng cường chất sắt ở dạng đặc từ 6 tháng tuổi.
Trẻ em dưới 2 tuổi không nên uống sữa bò quá 700 ml/ngày. Ăn các thực phẩm tăng cường chất sắt như ngũ cốc mới là cách tuyệt vời để giúp trẻ em để có được nhiều sắt hơn.
Các loại thực phẩm có nhiều chất sắt bao gồm: các loại thịt đỏ, thịt gia cầm sẫm màu, cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, rau lá xanh, các loại đậu, mật đường, trái cây, nho khô và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn hoặc thức uống giàu vitamin C (cà chua, bông cải xanh, nước cam, dâu tây…) sẽ giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể rất tốt.
Việc đưa con đi thăm khám bác sĩ thường xuyên cũng vô cùng cần thiết để con bạn được chẩn đoán bệnh và được điều trị trong thời gian sớm nhất.
BÁC SĨ CK II NGUYỄN KHÁNH LINH BÁC SĨ CHUYÊN BỆNH LÝ NHI KHOA - TƯ VẤN TIÊM CHỦNG
Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa I Nhi khoa tại Đại Học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và có cơ hội học tập cũng như thực hành lâm sàng chuyên về các bệnh lý của trẻ em tại 2 bệnh viện lớn là bệnh viện Nhi đồng 1 và bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bác sĩ có kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử lý các bệnh lý tổng quát thường gặp ở trẻ em như: Sốt, các bệnh lý Hô hấp, Hen suyễn, Dị ứng, các bệnh lý Tiêu hóa, Nhiễm trùng tiểu, Viêm kết mạc..
Tại Phòng khám nhi khoa SIM Medical Center, Bác sĩ Nguyễn Khánh Linh có ưu thế về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Thận Nội tiết Nhi như: Tiểu đường ở trẻ em, bệnh lý Tuyến giáp, Dậy thì sớm, Béo phì... cũng như tư vấn tiêm chủng và dinh dưỡng cho trẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Khánh Linh gần 10 năm kinh nghiệm chuyên về các bệnh lý Nhi Khoa từng làm việc tại BV Nhi đồng TP & BV Nhi đồng 1
BÁC SĨ CKI NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯƠNG hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên bệnh lý nhi khoa - Bác sĩ dinh dưỡng
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương tốt nghiệp Bác sĩ Chuyên khoa I Nhi khoa tại Đại Học Y Dược Tp.HCM và có cơ hội học tập cũng như thực hành lâm sàng chuyên về các bệnh lý của trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ có kinh nghiệm trong chẩn đoán và xử lý các bệnh lý tổng quát thường gặp ở trẻ em như: sốt, các bệnh lý hô hấp, hen suyễn, dị ứng, các bệnh lý tiêu hóa, nhiễm trùng tiểu, ...
Đặc biệt Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương có điểm mạnh về khám tư vấn dinh dưỡng, thiết kế thực đơn cho các bệnh nhi bị suy dinh dưỡng, béo phì, biếng ăn, tiền dậy thì, dậy thì.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Phương hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên khoa Nhi