Alternate Text
Tin tức simmed
Tin tức nội khoa

Thông điệp từ bỏ thuốc lá: "Ngừng hút thuốc – Lựa chọn của người mạnh mẽ"

thong-diep-tu-bo-thuoc-la-ngung-hut-thuoc-lua-chon-cua-nguoi-manh-me

Thông điệp từ bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá từ lâu đã được xem là một trong những thói quen có hại nhất đối với sức khỏe con người. Dù đã có rất nhiều cảnh báo và bằng chứng khoa học rõ ràng về tác hại của thuốc lá, hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục hút thuốc mỗi ngày. Điều đáng buồn là không chỉ người hút thuốc lá phải gánh chịu hậu quả mà những người xung quanh - đặc biệt là trẻ nhỏ - cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói thuốc.

1 HÚT THUỐC LÁ: “SÁT THỦ THẦM LẶNG”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó hơn 1 triệu ca tử vong là do hút thuốc thụ động. Cứ mỗi 6 giây trôi qua, lại có một người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đây là con số đáng báo động và cao hơn tổng số người tử vong do HIV/AIDS, sốt rét và tai nạn giao thông cộng lại.

Trong mỗi điếu thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có ít nhất 69 chất gây ung thư như benzene, formaldehyde, arsenic, cadmium và nhiều chất độc khác. Những chất này không chỉ làm tổn thương tế bào mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

2 NGUY CƠ MẮC UNG THƯ VÀ NHIỀU BỆNH NGUY HIỂM KHÁC

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi – loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay. Theo nghiên cứu tại Anh năm 2011, hơn 80% ca ung thư phổi là do hút thuốc gây ra. Người hút thuốc có nguy cơ tử vong vì ung thư phổi cao gấp 15 – 30 lần so với người không hút.

Không chỉ ung thư phổi, khói thuốc còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như:

  • Ung thư miệng, môi, yết hầu và thanh quản

  • Ung thư thực quản, dạ dày và gan

  • Ung thư bàng quang, thận và tụy

  • Ung thư cổ tử cung và vú

Ngoài ra, hút thuốc lá còn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh tim mạchđột quỵ. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa – nguyên nhân dẫn đến hẹp mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp đôi so với người không hút.

3 ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Hút thuốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ. Ở nam giới, thuốc lá làm giảm chất lượng tinh trùng và tăng nguy cơ rối loạn cương dương, bất lực do mạch máu không đủ khả năng giãn nở để duy trì cương dương. Ở nữ giới, nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ hút thuốc thường mãn kinh sớm hơn 1 năm, làm tăng nguy cơ loãng xương, bệnh tim và suy giảm nội tiết tố.

Bên cạnh đó, hút thuốc còn góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác như:

  • Bệnh lý răng miệng: hôi miệng, viêm nướu, mất răng sớm

  • Mất thị lực do thoái hóa điểm vàng

  • Hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

  • Loãng xương, đau khớp và suy giảm khả năng vận động

4 HÚT THUỐC THỤ ĐỘNG – MỐI NGUY ĐỐI VỚI TRẺ NHỎ VÀ PHỤ NỮ

Một điều đáng lo ngại là ngay cả những người không hút thuốc cũng có thể gặp phải các hậu quả nghiêm trọng khi sống trong môi trường có khói thuốc – gọi là hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Ở trẻ em, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa

  • Hen suyễn, ho kéo dài và khó thở

  • Suy giảm chức năng phổi và phát triển trí tuệ

Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc có nguy cơ sinh non, con nhẹ cân và mắc các vấn đề phát triển thần kinh ở trẻ.

WHO ước tính mỗi năm có khoảng 600.000 người chết vì hút thuốc thụ động, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em – những người không hút thuốc nhưng vẫn chịu hậu quả do môi trường sống ô nhiễm bởi khói thuốc.

5 NGƯNG HÚT THUỐC – HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Việc từ bỏ thuốc lá không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được với sự quyết tâm, hỗ trợ đúng cách và môi trường sống tích cực. Lợi ích của việc ngưng hút thuốc có thể cảm nhận ngay từ những giờ đầu tiên sau khi bỏ thuốc:

  • 20 phút: Huyết áp và nhịp tim bắt đầu trở lại bình thường

  • 12 giờ: Mức carbon monoxide trong máu giảm về mức an toàn

  • 2 tuần – 3 tháng: Cải thiện tuần hoàn máu và chức năng phổi

  • 1 năm: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm đi một nửa

  • 5 – 10 năm: Nguy cơ mắc các bệnh ung thư và đột quỵ giảm rõ rệt

Bên cạnh việc cải thiện sức khỏe, người bỏ thuốc lá còn tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao tinh thần và giúp môi trường sống trở nên trong lành hơn – đặc biệt là cho gia đình và con trẻ.

Danh sách tin tức