Alternate Text
Tin tức nhi khoa
Tin tức nhi khoa

CẢNH BÁO DỊCH TAY CHÂN MIỆNG

canh-bao-dich-tay-chan-mieng

Cảnh báo dịch tay chân miệng

Tham vấn y khoa: BÁC SĨ CK I NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯƠNG - Bác sĩ chuyên bệnh lý nhi khoa - Bác sĩ dinh dưỡng – Phòng khám đa khoa SIM Med 

Ngày 8/6/2023 Phòng Y Tế các Quận Huyện Tp Hồ Chí Minh đã có công văn thông báo về tình hình diễn biến phức tạp của các bệnh lây nhiễm trong đó có bệnh Tay Chân Miệng. Số liệu từ Trung tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Tp HCM – HCDC cho biết đến thời điểm 11/6/2023 tại thành phố đã có 1.972 trẻ mắc bệnh Tay Chân Miệng, và đáng lo ngại hơn là thông qua kỹ thuật PCR đã xác định được Enterovirus A71 (EV-A71) ở một số trường hợp nặng. Ngành y tế TP.HCM đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

1Bệnh Tay Chân Miệng là gì?


Bệnh tay chân miệngHFMD (Hand, Foot and Mouth Disease) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do vi-rút thuộc họ vi-rút đường ruột Coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus A71 (EV-A71) gây ra. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, với hầu hết các trường hợp người bệnh sẽ tự khỏi do cơ thể có khả năng sản xuất ra kháng thể chống lại vi-rút.

a. Vì sao virus EV-A71 lại khiến chúng ta lo lắng hơn?


Biểu hiện của bệnh Tay Chân Miệng là như nhau bất kể loại vi-rút gây bệnh nào. Tuy nhiên, nếu tác nhân gây bệnh là CA16 thì bệnh thường diễn biến nhẹ, người bệnh tự khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày.

Ngược lại nếu là do nhiễm enterovirus EV-A71 thì người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não, viêm phổi hoặc tổn thương cơ tim vì đây là tuýp vi-rút có độc tính mạnh, có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Các biến chứng này có thể để lại di chứng cho trẻ trong suốt cuộc đời sau này và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

b. Đối tượng nào dễ mắc bệnh Tay Chân Miệng?


Bất kể ở tuổi nào cũng có thể bị bệnh Tay Chân Miệng nhưng trên 90% người bị bệnh là trẻ em với số đông dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5.

c. Bệnh Tay Chân Miệng lây lan qua đường nào?


Bệnh Tay Chân Miệng lây lan qua đường dịch tiết và đường đại tiện, thông qua tiếp xúc với các dịch tiết hoặc đồ vật dính các dịch tiết của người bệnh, như:

  • Dịch tiết từ mũi hay từ họng
  • Nước bọt văng ra khi nói, ho, hắt hơi
  • Dịch từ mụn nước bị vỡ
  • Phân


Bệnh tay chân miệng lây lan qua đường nào


Điều đáng lo là thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 3-7 ngày, khi đó người bị nhiễm chưa có biểu hiện điển hình của bệnh nhưng đã có thể gây lây bệnh ra xung quanh.

2Biểu hiện của bệnh Tay Chân Miệng là gì?

Để kết luận trẻ có mắc bệnh Tay chân miệng hay không, bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng sau:

  • Sốt từ 37,5 – 38 độ và thường kèm theo đau họng
  • Biếng ăn và bứt rứt khó chịu
  •  Chảy nước bọt nhiều
  • Buồn nôn
  • Tiêu chảy vài lần trong ngày
  • Sau 1 đến 2 ngày: Xuất hiện nốt ban hồng đường kính vài mm trên bề mặt da hoặc ẩn dưới da (thường tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng).Sau đó các nốt ban này chuyển sang dạng bóng nước màu xám, hình bầu dục từ 2 – 10 mm, không gây ngứa. Khi bóng nước vỡ sẽ gây loét, đặc biệt là các vết lở loét bên trong miệng (đầu lưỡi, vòm họng, lợi) làm cho người bệnh đau và khó nuốt
  • Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da
  • Có tiền sử tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Tay chân miệng

Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút hay bệnh thủy đậu. Vì vậy phải luôn nhớ lấy phương châm “Cẩn tắc vô áy náy”, vì với trẻ em, nhất là các bé dưới 5 tuổi thì hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để cơ thể tự chống lại vi-rút nên bệnh chuyển biến rất nhanh.

Nên nếu trẻ bị sốt kéo dài trên 2 ngày với vài triệu chứng đi kèm trong mục lục trên thì chúng ta hãy mau chóng đưa trẻ đi khám để trẻ được chẩn đoán bệnh chính xác, từ đó có hướng điều trị phù hợp giúp ngăn ngừa các diễn biến phức tạp của bệnh.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng

3Dấu hiệu nặng của bệnh Tay Chân Miệng


Chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng theo đó chỉ cần trẻ bị sốt cao không hạ thì hãy nhanh đưa trẻ nhập các bệnh viện nhi đồng:

  • Sốt cao từ 39 độ trở lên liên tục trong 48 giờ không hạ: Thuốc hạ sốt paracetamol và các biện pháp lau mát vẫn không giúp trẻ hạ sốt
  • Nôn vọt (nôn mửa dữ dội, chất nôn phun ra thành vòi ra ngoài miệng trẻ)
  • Quấy khóc liên tục - đây là một biểu hiện của nhiễm độc thần kinh giai đoạn đầu, tuyệt đối không được chủ quan do trẻ bị đau nên khóc
  • Tay chân run rẩy
  • Tim đập nhanh
  • Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật

4Làm sao để phòng ngừa bệnh Tay Chân Miệng?

Bệnh Tay Chân Miệng chưa có vaccine phòng bệnh nên cách phòng ngừa tốt nhất là mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần áp dụng một số biện pháp để hạn chế cao nhất nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ:

  • Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ có bệnh
  • Rửa tay với xà phòng/nước rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn
  • Vệ sinh nhà cửa
  • Rèn cho trẻ không ngậm đồ chơi, không mút tay
  • Khử trùng vật dụng ăn uống, đồ chơi của trẻ
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi và không mớm thức ăn cho trẻ.

    Vi-rút vẫn có thể tồn tại trong cơ thể trẻ vài tuần sau khi trẻ hết bệnh nên vẫn có thể lây bệnh cho trẻ khác. Do vậy dù trẻ đã khỏi bệnh vẫn nên cho trẻ nghỉ ít nhất 10 ngày để tránh nguy cơ lây lan.


Phản ứng nhanh với bệnh tay chân miệng

 
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh

Danh sách tin tức