Tin tức y tế
Tin tức nội khoa
CHUNG SỐNG AN TOÀN VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
CHUNG SỐNG AN TOÀN VỚI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Châu Hồ Minh Quân - Bác sĩ chuyên bệnh lý Thận tiết niệu - Đái Tháo đường – Phòng khám đa khoa SIM Med
Đái tháo đường (tiểu đường) là một căn bệnh thoạt nghe tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng chỉ những ai đã từng trải qua cảm giác căng thẳng phải cân đong đo đếm từng chén cơm trong mỗi bữa ăn, hay luôn canh cánh nỗi lo không biết phải cắt cụt chi khi nào nếu bị hoại tử hoặc biến chứng, thì lúc này họ mới thấu hiểu giá trị của việc phòng bệnh để không xảy ra điều đáng tiếc. Hãy cùng Dr.SIM Med tìm hiểu về sự nguy hiểm của căn bệnh thời đại này và cách chung sống an toàn với nó.
1Các biến chứng tiểu đường nguy hiểm cần phải tránh
Tiểu đường nhìn chung sẽ có hai loạn biến chứng thường gặp là: biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.
*Biến chứng cấp tính
Nhiễm toan ceton: là tình trạng tăng đường huyết liên quan đến sự gia tăng nồng độ của thể ceton trong máu và nước tiểu. Nhiễm toan ceton thường xảy ra với đái tháo đường type 1, do tình trạng thiếu hụt insulin. Biểu hiện là hơi thở có mùi trái cây, tiêu chảy, buồn nôn, tiểu nhiều, khát nước, khó thở…
Tăng áp lực thẩm thấu: là tình trạng tăng đường huyết nhưng không có hoặc hiện diện không đáng kể thể ceton trong máu và nước tiểu. Tăng áp lực thẩm thấu đặc trưng bởi sự thay đổi tri giác (hôn mê hoặc lơ mơ) và áp lực thẩm thấu máu tăng dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng (tiểu nhiều, khát nước). Nó thường xảy ra nhất trong đái tháo đường type 2, thường xuất hiện khi bệnh nhân bị stress cấp tính (nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim...).
Hạ đường huyết: là tình trạng đường huyết xuống thấp ≤ 70 mg/dL (≤ 3,9 mmol/l). Thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường có liên quan đến dùng thuốc (tiêm insulin/thuốc viên hạ đường huyết) hoặc không do thuốc (bỏ bữa, uống rượu bia…). Các triệu chứng thường gặp như: vã mồ hôi, nhức đầu, choáng váng, buồn ngủ, không có khả năng tập trung, lú lẫn, mất tri giác, co giật, hôn mê.
Biến chứng cấp tính của Đái tháo đường
*Biến chứng mạn tính
Biến chứng mạch máu lớn: gây bệnh mạch vành - loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở người tiểu đường và bệnh động mạch chi dưới, có thể dẫn đến hoại tử, cắt cụt chi.
Biến chứng mạch máu nhỏ: ảnh hưởng đến những mạch máu rất nhỏ, gây ra ra 3 dạng bệnh lý chủ yếu: bệnh lý thần kinh (suy giảm chức năng thần kinh), bệnh lý thận (suy thận), bệnh lý võng mạc (gây mù lòa).
Biến chứng mạn tính của đái tháo đường
2Phương pháp chẩn đoán biến chứng tiểu đường
Để phát hiện bệnh đã biến chứng cơ quan nào của người bị tiểu đường, có thể thực hiện các phương pháp:
Kiểm tra bàn chân(bao gồm khám lâm sàng, đo ABI): phát hiện bệnh động mạch chi dưới
Kiểm tra đáy mắt (soi đáy mắt): phát hiện biến chứng ở võng mạc, nguy cơ mù lòa
Kiểm tra chức năng thận (creatinin, tỷ số albumin/creatinine niệu, độ lọc cầu thận): tầm soát bệnh thận đái tháo đường
Xét nghiệm lipid trong máu: tầm soát bệnh lý tim mạch đái tháo đường
3Các cách điều trị tiểu đường hiện nay
Điều trị đái tháo đường là một lĩnh vực chuyên sâu, vì thế người bệnh không nên tự ý điều trị hoặc mua thuốc để chữa, mà cần được chẩn đoán, tư vấn và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa:
Đái tháo đường type 1: biện pháp bắt buộc là tiêm bổ sung insulin, tùy theo phác đồ mà người bệnh sẽ tiêm 2 – 4 lượt/ngày. Kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể thao nhằm đạt mục tiêu điều trị.
Đái tháo đường type 2: kết hợp thực hiện thay đổi lối sống (bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, kiêng đường, giảm carbohydrate và chế độ vận động phù hợp) và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đái tháo đường thai kỳ: bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh kiểm soát chế độ ăn (giảm đường, carbohydrate) và theo dõi đường huyết theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tùy trường hợp mà việc dùng thuốc sẽ theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
4Chế độ sinh hoạt cho người bị đái tháo đường cần phải như thế nào?
Thăm khám định kỳ với chuyên gia y tế: để các bác sĩ hỗ trợ theo dõi diễn tiến bệnh và tư vấn điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: cần theo sát hướng dẫn, toa thuốc và cả chế độ ăn uống nghiêm ngặt mà bác sĩ đưa ra, để có kết quả điều trị tốt nhất.
Kiểm tra đường huyết định kỳ: kiểm tra đường huyết theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Chế độ ăn lành mạnh: hạn chế muối, thức ăn nhiều chất béo, bánh kẹo và các loại đồ uống có cồn. Nên ăn thực phẩm có chỉ số GI thấp ( giải phóng đường chậm sau khi ăn) như gạo lứt, yến mạch, hạt điều, hạt óc chó… và bổ sung trái cây, rau xanh.
Chia nhỏ bữa ăn: thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ. Phân bổ lượng calo: 30% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 20 % bữa tối và 20% các bữa phụ.
Hạn chế rượu bia và thuốc lá: vì chúng có thể gây tác hại cho tuyến tụy và làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh khác.
Vận động thể lực: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. Giúp giảm cân và cải thiện khả năng sử dụng insulin của tế bào cơ thể. Có thể chọn các loại hình phù hợp như aerobic, đi bộ, bơi lội, chạy bộ, đạp xe…
Chăm sóc đôi chân: chú ý tránh gây ra những tổn thương ở chân, vì một khi đã tổn thương thì rất khó lành, có nguy cơ gây hoại tử dẫn đến phải cắt cụt. Hạn chế mang những loại giày cao gót, bít mũi để tránh tổn thương các ngón chân.
Cách chung sống an toàn với bệnh đái tháo đường
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh