Tin tức y tế
Tin tức ngoại khoa
ĐIỀU TRỊ BONG GÂN ĐÚNG CÁCH
ĐIỀU TRỊ BONG GÂN ĐÚNG CÁCH
Tham vấn y khoa: BÁC SĨ CK I LÝ NA RƯƠNG – Bác sĩ Ngoại khoa chuyên bệnh lý Cơ xương khớp - Chấn thương chỉnh hình - Phòng khám đa khoa SIM Med
Bong gân là một loại tổn thương rất hay gặp ở bất cứ lứa tuổi nào do việc vận động quá sức, sai cách hay do tai nạn. Bong gân không có những triệu chứng đau nghiêm trọng nên nhiều trường hợp người bị bong gân có sự chủ quan, không nghiêm túc điều trị ngay từ đầu nên sẽ phải chịu những biến chứng lâu dài làm hạn chế sinh hoạt mãi sau này. Hãy cùng Dr Sim Med tìm hiểu về Bong gân, cách điều trị và phòng tránh biến chứng lâu dài.
1Bong gân là hiện tượng gì?
Từ Gân mà chúng ta quen dùng thực chất là Dây Chằng, đó là những mô sợi collagen có độ dai, cứng và có tính đàn hồi cao giúp kết nối và cố định các khớp xương hoặc các xương xung quanh khớp của chúng ta, khi dây chằng giãn do bị căng quá mức hay bị rách do động tác quá mạnh sẽ khiến cho cường độ và tầm vận động của khớp bị ảnh hưởng. Hiện tượng này gọi là Bong gân.
Biểu hiện của Bong gân có sự khác biệt tùy mức độ tổn thương nhưng luôn xoay quanh 3 vấn đề: Đau; Sưng; Bầm.
Đau khi bị chấn thương là do thần kinh cảm giác bị kích hoạt để gửi báo động đến não thông qua tủy sống. Cơ chế này giúp chúng ta nhận biết tổn thương và kịp thời bảo vệ cơ thể.
Sưng lại không xảy ra tức thì mà thường xuất hiện muộn vài giờ so với thời điểm bị đau.
Bầm tím biểu hiện muộn nhất, có thể vài ngày sau mới xuất hiện vết bầm, nguyên nhân do chảy máu bên trong và các thành phần trong máu bị thoái hóa sẽ thành vết bầm dưới da.
Bầm tím giúp phân biệt bong gân với căng cơ hay rách cơ, vì đều là các mô mềm bị tác động nên luôn gây đau, làm hạn chế hoạt động của khớp, nhưng tổn thương ở cơ sẽ không gây vết bầm xung quanh khớp.
Dựa vào 3 hiều hiện trên để xác định bong gân và nhận diện 3 mức độ tổn thương gân:
• Bong gân độ I: Đau âm ỉ và sưng nhẹ tại khớp, không có cảm giác bất thường ở khớp, vẫn có thể vận động khớp nhưng bắt đầu thấy xuất hiện các hạn chế như không thể hoạt động lâu do càng hoạt động thì đau nhiều hơn. Trường hợp này cố định khớp, không cho khớp vận động trong 2 – 3 tuần thì sẽ hồi phục.
• Bong gân độ II: Cảm giác đau rõ và sưng nhìn thấy rõ, chỗ sưng đổi màu theo cách nói phổ biến là sưng tấy đỏ, rờ vào thấy vùng da tại chỗ sưng và xung quanh nóng hơn các nơi khác, khó thực hiện hoạt động do đau nhiều, bắt đầu cảm thấy khớp lỏng lẽo, đây là hiện tượng mà y học gọi là mất vững khớp. Trường hợp này nên đến các cơ sở y tế để được điều trị chuyên nghiệp thì sau 3 – 6 tuần sẽ hồi phục.
• Bong gân độ III: Đau và sưng mức độ nặng gây cảm giác khó chịu đựng, bầm tím lan rộng, khớp mất vững, dây chằng có thể đã bị rách hoặc đứt hoàn toàn. Ở mức độ 3, nếu phải giải phẫu như khi đứt dây chằng phải nối thì có thể mất trên 12 tuần thậm chí đến 6 tháng mới hồi phục.
2Nếu bị Bong gân thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?
Chấn thương do bong gân có thể hồi phục hoàn toàn khi được điều trị sớm và đúng cách. Và ngược lại, bong gân sẽ để lại biến chứng gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt về sau nếu cứ chịu đau mà tiếp tục vận động vùng khớp bị thương hay mắc những sai lầm trong cách xử lý:
- Không cố định khớp bị đau.
- Tiếp tục vận động khớp bị đau.
- Không cho khớp bị đau được “nghỉ ngơi” đủ thời gian cần để hồi phục.
- Làm nóng khớp bị đau bằng cao hay rượu thuốc trong khi ngược lại phải chườm lạnh để giảm sưng và phù nề
Do vậy khi bị bong gân bạn nhất định không được chủ quan mà phải xử lý đúng cách để tránh gây thương tổn thêm cho cơ thể. Theo các chuyên gia, cách xử lý bong gân đúng khoa học cần theo nguyên tắc PRICE:
- P- Protection: Bảo vệ ngay vùng khớp bị đau để ngăn ngừa tổn thương thêm
- R- Rest: Nghỉ ngơi và cho khớp được nghỉ ngơi
- I- Ice: Chườm lạnh để giúp giảm đau
- C- Compression : Ép vùng đau để giảm sưng
- E- Elevation: Nâng cao chi có khớp bị đau để giảm phù nề
3Những ai và những trường hợp nào dễ dẫn đến bong gân?
- Bong gân khi chơi thể thao: Vận động viên chơi thể thao đối kháng như các môn đấu võ; Các môn dùng vợt như quần vợt, cầu lông, bóng bàn; các môn chạy và các môn dùng bóng như bóng đá, bóng chuyền… rất dễ bị bong gân vai, khuỷu tay, cổ tay, lưng, khớp háng, đầu gối, cổ chân,…
- Bong gân do lao động: Người lao động nặng kéo dài như mang vác nặng, dùng lực mạnh, gồng người đẩy xe nặng lên dốc…
- Bong gân do tai nạn: Những trường hợp ngã do hụt chân, trượt chân dễ bị bong gân lưng, cổ chân hay cổ tay…
4Để hạn chế bị bong gân cần chú ý:
- Các tư thế đúng khi lao động.
- Bảo vệ khớp khi chơi thể thao hay lao động nặng như chọn giày phù hợp, bao gối, cổ chân…
- Khởi động làm nóng khớp kĩ trước khi chơi thể thao hay lao động nặng.
- Cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày, tránh té ngã.
- Phụ nữ hạn chế đi giày cao quá 5cm, gót quá nhọn vì dễ bị lật cổ chân (bong gân cổ chân).
- Kiểm soát cân nặng vì việc thừa cân làm cho gân dễ bị tổn thương do chịu lực nặng.
- Tập thể dục để có cơ chắc khỏe.
- Luyện khả năng giữ thăng bằng cơ thể: Tư thế đứng một chân trong yoga,… giúp tăng phản xạ.
- Dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và xương: Thực phẩm giàu protein; Rau củ quả giàu vitamin C, kẽm, canxi, D; Các loại thực phẩm giàu omega-3, omega-6
Giới hạn của cơ thể mỗi người là rất khác nhau nên chúng ta cần lắng nghe cơ thể mình, cảm giác đau chính là lời cầu cứu của cơ thể với chúng ta nên đừng làm ngơ nó mà cứ bắt cơ thể cố chịu.
Ngay khi gặp chấn thương hay tai nạn, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, chụp chiếu các tổn thương xương khớp và hỗ trợ điều trị, phục hồi tốt nhất, tránh các di chứng đáng tiếc ảnh hưởng đến việc vận động sau này.
Hãy liên hệ với SIM Medical Center và cho chúng tôi biết vấn đề của bạn khi cần thiết:
🔸 Facebook: facebook.com/PhongKhamSIMMED/
🔸 Hotline: 1900 25 25 35
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA SIM MED
THỜI GIAN LÀM VIỆC: 7:30 - 17:00 hàng ngày (Thứ 2 - Chủ Nhật), Ngoài giờ (Khoa Nhi) 17:00 - 19:00 (Thứ 2 - Thứ 6)
Chuyên Khoa: Khoa Sản - Phụ, Khoa Nhi, Khoa Nội, Khoa Ngoại, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Mắt, Khoa Răng Hàm Mặt, Bác sĩ gia đình, Khám sức khỏe tổng quát, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Tiêm chủng, Khám sức khỏe doanh nghiệp.
Địa Chỉ: Tòa nhà Richstar 2-RS5, 239-241 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.